1. Mối liên hệ của tăng đường huyết và mức độ nặng ở người bệnh mắc Covid-19
Ngay từ những ngày đầu của đại dịch Covid-19, báo cáo của nhóm tác giả Xiaochen Li từ Vũ Hán – Trung Quốc tỷ lệ người bệnh có tăng đường huyết ở nhóm người bệnh nặng cao hơn có ý nghĩa so với nhóm không nặng (45,4% so với 21,5%) và tăng đường huyết là một yếu tố độc lập liên quan đến tử vong ở người bệnh Covid-19 nặng (HR=1,77; 95% CI 1,11-2,84; p=0,017).
Điều đặc biệt là trên nhóm đối tượng người bệnh chưa có tiền sử đái tháo đường trước nhập viện thì tăng đường huyết vẫn là yếu tố độc lập làm tăng tỷ lệ tử vong.
2. Cơ chế gây tăng đường huyết ở người bệnh mắc Covid-19
Có nhiều giả thuyết đưa ra về cơ chế gây tăng đường huyết ở người bệnh mắc Covid-19. Có giả thuyết cho rằng virus SAR-COV-2 sau khi xâm nhập vào cơ thể, bên cạnh việc gây tổn thương cơ quan chính là phổi, virus cũng gây tổn thương tụy, dẫn đến giảm lượng insulin – chất làm giảm đường máu. Bên cạnh đó, tăng sản sinh các yếu tố gây viêm, tình trạng stress oxy hóa cũng ảnh hưởng tới chức năng của các tế bào tuyến tụy, giảm tiết insulin.
Ngoài ra, một số thuốc sử dụng trong điều trị, ví dụ glucocorticoid cũng là nguyên nhân gây tăng đường huyết thông qua các cơ chế như tăng tân tạo đường, giảm sử dụng đường ở ngoại vi, giảm nhạy cảm insulin và rối loạn chức năng tế bào đảo tụy (khi sử dụng kéo dài). Do đó, những người không có tăng đường huyết khi nhập viện vẫn nên được theo dõi đường huyết ít nhất trong vòng 48 giờ kể từ khi bắt đầu sử dụng glucocorticoid.
3. Lợi ích của việc kiểm soát đường huyết sớm ở người bệnh mắc Covid-19 nhập viện
Một nghiên cứu tại Mỹ chỉ ra kiểm soát tích cực đường huyết ở người bệnh mắc Covid-19 giúp làm giảm tỷ lệ tử vong ở người bệnh không nặng và có xu hướng giảm tỷ lệ tử vong ở người bệnh cần điều trị ở đơn vị điều trị tích cực. Tuy nhiên, cần cân đối giữa việc đạt mục tiêu kiểm soát đường huyết với biến cố hạ đường huyết, vì nhóm người bệnh có hạ đường huyết lại có xu hướng tăng tỷ lệ tử vong.
4. Có thể sử dụng thuốc nào để kiểm soát đường huyết ở người bệnh mắc Covid-19 nhập viện?
Có nhiều nhóm thuốc khác nhau để kiểm soát đường huyết ở người bệnh mắc Covid-19 nhập viện. Thông thường, ở người bệnh với các triệu chứng nhẹ, chức năng gan, thận bình thường, người bệnh ăn uống được, mức đường huyết tăng không cao có thể sử dụng thuốc uống. Thuốc uống được ưu tiên lựa chọn là nhóm thuốc ức chế DPP-4 (như sitagliptin, linagliptin hoặc vildagliptin). Metformin chỉ nên được sử dụng sau khi đã loại trừ các yếu tố tăng nguy cơ nhiễm toan lactic và cần dừng ngay khi tình trạng bệnh diễn tiến. Các thuốc thuộc nhóm ức chế SGLT-2 như dapagliflozin, empagliflozin không được khuyến cáo sử dụng do tăng nguy cơ nhiễm toan ceton ở người bệnh điều trị nội trú.
Thuốc tiêm insulin là lựa chọn thích hợp để kiểm soát tăng đường huyết cho người bệnh không thỏa mãn các tiêu chuẩn dùng thuốc uống hoặc khi không kiểm soát được bằng thuốc uống.
Tăng đường huyết là một vấn đề thường gặp ở người bệnh mắc Covid-19. Vì thế, người bệnh cần được kiểm soát tốt, tránh để đường huyết tăng cao ảnh hưởng đến sức khỏe.
Viết bình luận