Chẩn đoán và điều trị đái tháo đường tuýp 2

Chẩn đoán và điều trị đái tháo đường tuýp 2

Không có cách chữa bệnh tiểu đường type 2, nhưng giảm cân, chế độ ăn uống tốt và tập thể dục có thể giúp kiểm soát bệnh. Nếu chế độ ăn kiêng và tập thể dục không đủ để kiểm soát tốt lượng đường trong máu, bạn có thể cần dùng thuốc trị tiểu đường hoặc liệu pháp insulin.

1. Triệu chứng của bệnh tiểu đường type 2

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh tiểu đường type 2 thường phát triển chậm. Trên thực tế, bạn có thể mắc bệnh tiểu đường type 2 trong nhiều năm mà không hay biết điều đó như:

  • Cơn khát tăng dần
  • Đi tiểu thường xuyên
  • Cơn đói tăng lên
  • Giảm cân ngoài ý muốn
  • Mệt mỏi
  • Nhìn mờ
  • Vết loét chậm lành
  • Nhiễm trùng thường xuyên
  • Vùng da sẫm màu, thường ở nách và cổ.

2. Chẩn đoán đái tháo đường type 2

Dung nạp glucose đường uống

Xét nghiệm dung nạp glucose đường uống

Bệnh tiểu đường type 2 thường được chẩn đoán bằng cách sử dụng:

  • Xét Nghiệm HbA1c. Xét nghiệm máu này cho thấy mức đường trong máu trung bình của bạn trong hai đến ba tháng vừa qua. Mức bình thường dưới 5,7% và kết quả từ 5,7 đến 6,4% được coi là tiền tiểu đường. Mức HbA1c từ 6,5% trở lên trong hai xét nghiệm riêng biệt có nghĩa là bạn đã mắc tiểu đường.

Nếu xét nghiệm HbA1c không có sẵn hoặc nếu bạn có một số bệnh như hemoglobin bất thường (hemoglobin variant) ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm HbA1c, bác sĩ có thể sử dụng các xét nghiệm sau đây để chẩn đoán bệnh tiểu đường:

  • Xét nghiệm đường huyết ngẫu nhiên. Giá trị đường trong máu được biểu thị bằng miligam trên decilit (mg/dL) hoặc milimol trên lít (mmol/L). Kể cả khi đã ăn thì lượng đường trong máu của bạn là 200 mg/dL (11,1 mmol/L) hoặc cao hơn thì có nghĩa là bạn đã mắc bệnh tiểu đường, đặc biệt là nếu bạn cũng có các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh tiểu đường, như đi tiểu thường xuyên và khát nước .
  • Xét nghiệm đường huyết lúc đói. Một mẫu máu được lấy sau khi ngủ dậy vào buổi sáng, nếu lượng đường dưới 100 mg/dL (5,6 mmol/L) là bình thường, từ 100 đến 125 mg/dL (5,6 đến 6,9 mmol/L) được xem là tiền tiểu đường. Nếu lượng đường trong máu lúc đói là 126 mg/dL (7 mmol/L) hoặc cao hơn trong hai xét nghiệm riêng biệt, thì bạn được chẩn đoán là mắc bệnh tiểu đường.
  • Xét nghiệm dung nạp glucose đường uống. Xét nghiệm này ít được sử dụng hơn các xét nghiệm khác, ngoại trừ trong khi mang thai. Bạn sẽ cần phải nhịn ăn qua đêm và sau đó uống một chất lỏng có đường và được kiểm tra lượng đường trong máu sau hai giờ. Nếu nồng độ đường trong máu dưới 140 mg/dL (7,8 mmol/L) là bình thường. Từ 140 đến 199 mg/dL (7,8 mmol/L và 11,0 mmol/L) cho thấy tiền tiểu đường. Từ 200 mg/dL (11,1 mmol/L) hoặc cao hơn sau hai giờ thì người bệnh được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường.

Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ khuyến cáo nên kiểm tra định kỳ bệnh tiểu đường type 2 bắt đầu ở tuổi 45, đặc biệt nếu bạn thừa cân. Nếu kết quả là bình thường, lặp lại xét nghiệm ba năm một lần. Nếu kết quả là nằm ở giữa bệnh và không bệnh, hãy hỏi bác sĩ khi nào bạn cần quay trở lại để làm xét nghiệm khác.

Xét nghiệm sàng lọc cũng được khuyến nghị cho những người dưới 45 tuổi và thừa cân nếu có các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim hoặc tiểu đường khác, như lối sống ít vận động, tiền sử gia đình mắc bệnh tiểu đường type 2, tiền sử cá nhân mắc bệnh tiểu đường thai kỳ hoặc huyết áp trên 140/90 mm Hg.

Nếu bạn được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường, bác sĩ có thể thực hiện các xét nghiệm khác để phân biệt bệnh tiểu đường loại 1 và type 2 - vì hai bệnh này sử dụng các phương pháp điều trị khác nhau.

3. Sau khi chẩn đoán

Mức HbA1c cần được kiểm tra từ hai đến bốn lần một năm. Người bệnh cần thảo luận về mục tiêu HbA1c của mình với bác sĩ vì chỉ số này có thể thay đổi tùy thuộc vào độ tuổi của người bệnh và một số các yếu tố khác. Đối với hầu hết mọi người, Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ khuyến nghị mức HbA1c dưới 7%.

Mức HbA1c tăng có thể báo hiệu sự cần thiết phải thay đổi thuốc, chế độ dinh dưỡng hoặc mức độ hoạt động thể chất của bạn. Ngoài xét nghiệm HbA1c, bác sĩ sẽ đo huyết áp, lấy mẫu máu, nước tiểu định kỳ để kiểm tra mức cholesterol, chức năng tuyến giáp, chức năng gan và chức năng thận. Khám mắt và chân thường xuyên cũng rất quan trọng.

4. Điều trị đái tháo đường type 2

Tập thể dục

Giảm cân, tập thể dục thường xuyên là những biện pháp hỗ trợ điều trị tiểu đường

Quản lý bệnh tiểu đường type 2 bao gồm:

  • Giảm cân
  • Ăn uống lành mạnh
  • Tập thể dục thường xuyên
  • Có thể sử dụng thuốc trị tiểu đường hoặc liệu pháp insulin
  • Theo dõi lượng đường trong máu

Những bước này sẽ giúp giữ cho lượng đường trong máu của bạn gần với mức bình thường, có thể trì hoãn hoặc ngăn ngừa các biến chứng.

4.1 Giảm cân

Giảm cân có thể làm giảm lượng đường trong máu của bạn. Giảm chỉ 5 đến 10% trọng lượng cơ thể của bạn có thể tạo ra sự khác biệt, mặc dù giảm cân bền vững từ 7% trở lên so với trọng lượng ban đầu của bạn là lý tưởng nhất. Điều đó có nghĩa là một người nặng 180 pound (82 kg) thì sẽ cần giảm ít nhất 13 pound (5,9 kg) thì mới có đủ để tác động lên lượng đường trong máu. Kiểm soát khẩu phần và ăn các thực phẩm lành mạnh là cách đơn giản để bắt đầu giảm cân.

4.2 Ăn uống lành mạnh

Trái với nhận thức của nhiều người, hiện nay không có chế độ ăn kiêng cụ thể nào áp dụng cho người bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, điều quan trọng là tập trung vào chế độ ăn uống:

  • Ít calo hơn
  • Ít carbohydrate tinh chế, đặc biệt là đồ ngọt
  • Ít thực phẩm chứa chất béo bão hòa
  • Sử dụng nhiều rau và trái cây
  • Sử dụng nhiều thực phẩm có chất xơ

Các chuyên gia dinh dưỡng có thể giúp bạn đưa ra một kế hoạch bữa ăn phù hợp với mục tiêu sức khỏe, sở thích ăn uống và lối sống của bạn. Họ có thể hướng dẫn bạn theo dõi lượng carbohydrate, số lượng carbohydrate bạn cần ăn trong bữa ăn và đồ ăn nhẹ để giữ cho lượng đường trong máu ổn định.

4.3 Hoạt động thể chất

Mọi người đều cần tập thể dục thường xuyên và những người mắc bệnh tiểu đường type 2 cũng không ngoại lệ. Lựa chọn các hoạt động bạn thích, chẳng hạn như đi bộ, bơi lội và đi xe đạp, để bạn có thể biến chúng thành một phần của thói quen hàng ngày.

Đặt mục tiêu cho ít nhất 30 đến 60 phút tập thể dục vừa phải (hoặc 15 đến 30 phút) tất cả các ngày trong tuần. Sự kết hợp của các bài tập như aerobic, đi bộ hoặc khiêu vũ hầu hết các ngày, kết hợp với tập luyện sức đề kháng, chẳng hạn như tập tạ hoặc yoga hai lần một tuần - mang lại nhiều lợi ích hơn so với chỉ một loại bài tập.

Hãy nhớ rằng hoạt động thể chất làm giảm lượng đường trong máu. Do đó, người bệnh cần kiểm tra lượng đường trong máu trước khi tham gia bất kỳ hoạt động nào. Bạn có thể cần ăn một bữa ăn nhẹ trước khi tập thể dục để giúp ngăn ngừa lượng đường trong máu thấp nếu bạn dùng thuốc trị tiểu đường làm giảm lượng đường trong máu.

Ngoài ra, bạn cần giảm thời gian bạn dành cho các hoạt động ngồi hoặc nằm lâu, chẳng hạn như xem TV. Đứng dậy và di chuyển cứ sau 30 phút ngồi hoặc nằm.

4.4 Theo dõi lượng đường trong máu của bạn

Tùy thuộc vào kế hoạch điều trị của từng người bệnh, bạn có thể cần kiểm tra và ghi lại mức đường trong máu của mình. Hỏi bác sĩ của mình về tần suất bạn cần kiểm tra lượng đường trong máu. Theo dõi cẩn thận là cách duy nhất để đảm bảo rằng lượng đường trong máu của bạn vẫn nằm trong phạm vi của mục tiêu điều trị.

insulin

Một số người mắc bệnh tiểu đường type 2 cần điều trị bằng insulin

4.5 Thuốc điều trị đái tháo đường typ 2 và liệu pháp insulin

Một số người mắc bệnh tiểu đường type 2 có thể đạt được mức đường trong máu chỉ cần điều trị bằng chế độ ăn kiêng và tập thể dục, nhưng nhiều người cũng cần dùng thuốc trị tiểu đường hoặc liệu pháp insulin. Quyết định về loại thuốc nào phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm mức độ đường trong máu và bất kỳ vấn đề sức khỏe nào khác mà bạn có. Bác sĩ có thể kết hợp các loại thuốc từ các loại khác nhau để giúp bạn kiểm soát lượng đường trong máu theo nhiều cách khác nhau.

Ví dụ về các thuốc điều trị có thể cho bệnh tiểu đường type 2 bao gồm:

  • Metformin (Glucophage, Glumetza, những người khác). Thông thường, metformin là thuốc đầu tiên được kê toa cho bệnh tiểu đường type 2. Nó hoạt động bằng cách giảm sản xuất glucose ở gan và cải thiện độ nhạy cảm của cơ thể với insulin để cơ thể bạn sử dụng insulin hiệu quả hơn. Buồn nôn và tiêu chảy là tác dụng phụ hay gặp của metformin. Những tác dụng phụ này có thể biến mất khi cơ thể bạn quen với thuốc hoặc nếu bạn dùng thuốc với bữa ăn. Nếu metformin và thay đổi lối sống không đủ để kiểm soát lượng đường trong máu thì bác sĩ sẽ thay thế bằng các loại thuốc uống hoặc thuốc tiêm khác.
  • Sulfonylureas. Những loại thuốc này giúp cơ thể bạn tiết ra nhiều insulin hơn, như glyburide (DiaBeta, Glynase), glipizide (Glucotrol) và glimepiride (Amaryl). Tác dụng phụ có thể bao gồm hạ thấp lượng đường trong máu và tăng cân.
  • Meglitinide. Nhóm thuốc này bao gồm repaglinide (Prandin) và nargetlinide (Starlix) - hoạt động như sulfonylureas bằng cách kích thích tuyến tụy tiết ra nhiều insulin hơn, nhưng chúng có tác dụng nhanh hơn và thời gian tác dụng của chúng trong cơ thể ngắn hơn. Một số tác dụng phụ của nhóm thuốc này là làm nguy cơ hạ thấp lượng đường trong máu và tăng cân.
  • Thiazolidinediones. Giống như metformin, nhóm thuốc này bao gồm rosiglitazone (Avandia) và pioglitazone (Actos) - làm cho các mô của cơ thể nhạy cảm hơn với insulin. Những loại thuốc này có liên quan đến tăng cân và các tác dụng phụ nghiêm trọng khác, chẳng hạn như tăng nguy cơ suy tim và thiếu máu. Do những rủi ro này, những loại thuốc này thường không phải là phương pháp điều trị lựa chọn đầu tiên.
  • Thuốc ức chế DPP-4. Những loại thuốc này gồm sitagliptin (Januvia), saxagliptin (Onglyza) và linagliptin (Tradjenta) giúp giảm lượng đường trong máu, nhưng có xu hướng có tác dụng rất khiêm tốn. Chúng không gây tăng cân, nhưng có thể gây đau khớp và tăng nguy cơ viêm tụy.
  • Thuốc đồng vận thụ thể GLP-1. Nhóm thuốc tiêm này làm chậm quá trình tiêu hóa và giúp hạ thấp lượng đường trong máu. Việc sử dụng chúng thường dẫn đến giảm cân, buồn nôn và tăng nguy cơ viêm tụy.
  • Insulin. Một số người mắc bệnh tiểu đường type 2 cần điều trị bằng insulin. Trước đây, liệu pháp insulin được sử dụng như là phương sách cuối cùng, nhưng ngày nay nó thường được kê đơn sớm hơn vì lợi ích của nó. Có nhiều loại insulin, và mỗi loại hoạt động theo một cách khác nhau. Thông thường, những người mắc bệnh tiểu đường type 2 bắt đầu sử dụng insulin với một mũi tiêm dài vào ban đêm, chẳng hạn như insulin glargine (Lantus) hoặc insulin detemir (Levemir). Thảo luận về ưu và nhược điểm của các loại thuốc khác nhau với bác sĩ của bạn.

Ngoài các loại thuốc điều trị tiểu đường, bác sĩ có thể kê toa liệu pháp aspirin liều thấp cũng như thuốc điều trị huyết áp và thuốc giảm cholesterol để giúp ngăn ngừa bệnh tim và mạch máu.

Sàng lọc đái tháo đường rối loạn mỡ máu nhằm giúp phát hiện sớm tình trạng tiền đái tháo đường, phân loại chính xác type tiểu đường, xây dựng chế độ dinh dưỡng, theo dõi giảm thiểu các nguy cơ, biến chứng do tiểu đường gây ra.

Đang xem: Chẩn đoán và điều trị đái tháo đường tuýp 2

Viết bình luận

This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.
Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên
0 sản phẩm
0₫
Xem chi tiết
0 sản phẩm
0₫
Đóng